Diễn biến Tranh_giành_châu_Phi

Năm 1858, Pháp vận động được Ai Cập cùng nhau thực hiện dự án kênh đào Suez. Đây là hành động xâm nhập châu Phi chính thức thứ hai của nước này sau Algérie. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do, Ai Cập đã nhượng lại cổ phần của mình trong dự án cho Anh vào năm 1875. Lập tức, Anh đẩy mạnh xâm nhập châu Phi từ Ai Cập mà trước hết là đặt Ai Cập dưới sự bảo hộ của mình và tiến hành xâm chiếm Sudan năm 1882. Việc này làm mâu thuẫn giữa Anh và Pháp về vấn đề châu Phi nảy sinh từ cuộc viễn chinh của Napoleon được đẩy cao thêm, sau này dẫn tới sự kiện Fashoda.

Trước động thái của Anh, Pháp đã khẩn trương chiếm Tuynisia năm 1881, Guinée năm 1884. Tuynisia vốn được Italia để ý từ lâu. Việc Pháp chiếm Tuynisia đã đẩy Italia tiến tới liên minh với ĐứcÁo. Không chiếm được Tuynisia, song Italia đã xâm nhập được vào miền Đông Bắc Phi tại Eritrea và chiếm được một phần xứ này.

Bên cạnh Bắc Phi, Pháp cũng xúc tiến xâm nhập châu Phi từ phía Tây trong những năm 1880. Pierre Savorgnan de Brazza được Pháp cử đi thám hiểm Vương quốc Kongo. Cùng thời gian đó, vua Bỉ Leópold Đệ nhị bí mật cử Henry Stanley quay trở lại Congo để thám hiểm với mục đích chuẩn bị cho việc nước này xâm nhập vào đây. Kết quả là Bỉ đã chiếm được Congo trước Pháp và Nhà nước Tự do Congo được thành lập là tài sản riêng của Leópold Đệ nhị.

Tới thập niên 1880, người Đức có thay đổi trong chính sách xâm chiếm thuộc địa. Trước đó, người Đức có ý đồ tranh giành thuộc địa ở châu Á và châu Đại Dương, nhất là nhằm vào Philippines, TimorĐài Loan. Khi Otto von Bismarck lên làm thủ tướng Phổ, ông liền tuyên bố Weltpolitik (Chính sách thế giới). Theo đó, Phổ sẽ tập trung hoạt động khai phá thuộc địa của mình ở châu Phi. Trong vòng hai năm 1884-1885, Đức khẩn trương thâm nhập vào Tây Phi, Tây Nam Phi và Đông Phi để từ hai phía Đông - Tây chiếm thêm các miền đất khác của châu Phi. Chính sách bành trướng theo chiều ngang này của Đức đã xung đột với chính sách bành trướng theo chiều dọc từ hai đầu Nam - Bắc của Anh. Hai nước đã phải đàm phán với nhau và kết quả là Đức chịu để cho Anh chiếm các miền mà nay là KenyaUganda.

Một mặt chủ động xâm chiếm, mặt khác Bismarck mở Hội nghị Berlin vào năm 1884. Tại hội nghị này, các nhà ngoại giao của 14 nước châu Âu đã đề ra một số nguyên tắc về chiếm thuộc địa ở châu Phi trong đó có việc các nước không được có hành động chiếm thuộc địa nào mà không báo trước cho các nước khác biết.

Năm 1894, Tây Phi thuộc Pháp được thành lập và Pháp dựa vào đây để mở rộng lãnh địa của mình ở Tây Phi.

Ở Đông Phi, mâu thuẫn Anh - Pháp ngày càng dâng cao dẫn tới sự kiện Fashoda. Chính sách bành trướng thuộc địa theo chiều ngang Đông - Tây của Pháp xung đột với chính sách bành trướng thuộc địa theo chiều dọc Bắc - Nam của Anh và điểm tập trung sự xung đột là Sudan. Năm 1894, Pháp cử quân tới chiếm Fashoda ở thượng lưu sông Nile làm xứ bảo hộ của mình. Anh liền hậu thuẫn cho một lực lượng bản xứ Sudan chống lại quân Pháp. Chiến tranh gần như sắp nổ ra. Sau đó, Pháp nhượng bộ và từ bỏ Đông Phi. Mâu thuẫn Anh - Pháp tại vùng Đông Phi được giải quyết sau sự kiện Fashoda, Pháp chịu cho Anh tiến vào Tây Phi và chiếm các xứ ngày nay là Nigeria, còn Anh chịu cho Pháp chiếm Madagascar và thừa nhận ảnh hưởng của Pháp tại Maroc.

Năm 1905, Wilhelm Đệ nhị của Đức đến thăm Tanger (Maroc) và có bài phát biểu ủng hộ sự độc lập của Maroc. Điều này khiến cho mâu thuẫn Pháp - Đức vốn có sẵn từ lâu dâng cao thêm. Hai nước đưa lực lượng quân sự của mình tới vùng biên giới chung để sẵn sàng chiến đấu. Hội nghị Algeciras được tổ chức để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước. Tại đây, do được ít nước tham dự ủng hộ, nên Đức đã phải chịu nhượng bộ Pháp. Lịch sử gọi sự kiện giữa hai nước này là Khủng hoảng Maroc thứ nhất. Tuy nhiên, tham vọng của Đức không mất đi.

Năm 1911, người Berber ở Maroc nổi dậy chống Pháp. Pháp xuất binh trấn áp. Đức lấy cớ bảo vệ kiều dân của mình liền cử pháo hạm Panther tới Agadir. Pháp tố cáo với Anh hành động của Đức và đề nghị Anh Pháp liên hợp cử các đơn vị hải quân tới Agadir. Anh coi hành động của Đức là thách thức ưu quyền về hải quân của mình. Quan hệ giữa các nước châu Âu trở nên căng thẳng. Lịch sử gọi đây là Khủng hoảng Maroc thứ hai hay Khủng hoảng Agadir. Sau đó đàm phán được tiến hành với kết quả là Đức tuyên bố tôn trọng ảnh hưởng của Pháp với toàn bộ Maroc, nhưng Pháp phải "thưởng" cho Đức một phần xứ Congo thuộc Pháp. Đức gọi thuộc địa mới này là Neukamerun và nhập vào Kamerun, thuộc địa của Đức từ 1884. Đức "cảm ơn" Pháp bằng một vùng đất nhỏ ở nơi ngày nay gần thủ đô N'Djamena của Tchad.

Liên quan